RẶNG CẬY

RẶNG CẬY

        Ngoài bụi tre khóm trúc thường thấy ở thôn quê, làng Trung Lao xưa kia còn xuất hiện một loại cây đặc biệt: đó là cây Cậy, được trồng nhiều nơi; cách riêng tại xóm Đông Thượng thì cây mọc nhiều vô kể, nên làng ta gọi là Rặng Cậy.

       Nguồn gốc cây này do người làng đi bè trên miền ngược Thái Nguyên, đưa hạt về ươm trồng. Vì theo kinh nghiệm khi khai thác gỗ trong rừng rậm, thường xuyên bị nhựa Cậy dính vào quần áo không tài nào giặt sạch, còn làm cho chỗ vải đó dầy cứng thêm. Từ đặc tính này người ta mới biết đây là một loại keo tốt, mà đem áp dụng vào đời sống hàng ngày.

       Lại nói về thời ấy, nghề dệt đang đà phát đạt nên rất cần dây gai trong dụng cụ để quay tơ ra thành ống rồi mới dệt thành vải. Trước đây một sợi dây gai chỉ quay được khoảng ba giờ là đứt, nhưng nếu được tẩm nhựa quả Cậy thì sợi dây đó sử dụng liên tục cả tuần cũng chưa hỏng.

       Ngoài ra nhựa quả Cậy còn được bôi vào giấy để dán quạt nan tre rất bền. Hơn nữa, nhựa này tẩm vào giấy bản rồi phất vào cánh các con diều, thả lên bầu trời vào mùa thu lúc nông nhàn ruộng vãn. Giữa đồng trống thênh thang còn thơm nồng cỏ rạ, các con diều gặp gió cứ thi nhau bay vút. Một thuở trong làng có ông Binh Phúc nổi tiếng là dân chơi diều nhất hạng, vì diều của ông cực to và chắc chắn. Mỗi cánh của diều làm bằng cả cây tre già để nguyên (gọi là tre hóa); kèm theo một ống sáo dài đến ba thước, được đẽo gọt khéo léo, cùng cất tiếng vi vu trong gió chiều ngân vang… Hiệu quả cây Cậy là thế, và nghề chơi thật cũng lắm công phu!

       Ngày nay vật đổi sao dời, rặng Cậy cũng phai tàn theo năm tháng. Có chăng, chỉ còn lại dư âm, như dấu tích oanh liệt của một thời hoàng kim.

                                                                          PHẠM VĂN NGUYỆN