KHÚC GIAO HÒA

KHÚC GIAO HÒA

 

KHÚC GIAO HÒA (1)

        Một quả chuông chùa treo trên giá gỗ vững vàng, ngự bên trái tiền sảnh nhà thờ Vườn Xoài (quận 3)… Điều này khiến người ta nhớ đến: Quả Chuông Nam Chùa Đức Long.

        Chuông hiện treo ở gian cuối nhà thờ Đức Bà Mân Côi xứ Trung lao (Trực Ninh – Nam Định). Được đánh lên khi đọc kinh cầu hồn, nghe trầm ấm ngân nga như khóc than người quá cố; còn gọi là chuông sầu, chuông tử hay chuông sinh thì. Chuông này xưa kia của chùa Đức Long (Đức Long Tự Chung), chẳng rõ vì sao đã mang cầm cố cho cụ Bá Tứ, hết hạn không chuộc về. Bẵng đi một thời gian dài sau đó – vào dịp lễ khánh thành nhà thờ Đức Bà Mân Côi –, cụ Bá Tứ mới dâng cúng cho giáo xứ. Sự việc được khắc trên bia đá ghi công: “… Nhất Vũ Đình Tứ bá hộ, cung đồng chung nhất quả… “.

        Về thời điểm đúc chuông chắc khá lâu đời. Chỉ riêng từ khi cụ Bá Tứ dâng cúng đến nay đã hơn một thế kỷ, xứ đạo luôn bảo tồn và gìn giữ làm di sản vốn quý, một điển hình hội nhập văn hóa Việt Nam (2)

        Lại nữa, tại đền Thánh Giuse (Tân Bình), nơi hàng ngày các tín hữu đồng tâm khấn nguyện. Qua tam quan Phúc Ân Môn vào chính điện, trên cửa cuốn vành khuyên thấy ngay một tấm phông sơn son thếp vàng (ngang gần hai thước, cao bảy tấc) nổi ba chữ triện hình tròn bằng quốc ngữ: Đền Công Chính. Cánh trái được chạm khắc những hàng dọc chữ Hán: Vạn Thắng Tự… Hà Nam... Các từ khác mờ nhạt khó nhận nhưng dễ hiểu đây là bức hoành bằng mộc hương của chùa Vạn Thắng – Hà Nam. Đậm nét hơn, cánh phải cũng chữ Hán: Thành Thái Bính Thân Xuân (mùa Xuân năm Bính Thân thời Thành Thái – 1896). Thuở đó tỉnh Hà Nam còn là phủ Lý Nhân (3). Tổng Hà Nam lại thuộc huyện Yên Hưng phủ Hải Đông – Quảng Yên (4). Không rõ, phải Hà Nam bây giờ?

        Quả chuông chùa cuối nhà thờ Vườn Xoài?!... Bức hoành của chùa Vạn Thắng tính theo niên đại trên đã trải qua trăm mười năm, bình yên trước nắng gió tựa khúc nhạc hòa giao. Dám nói gì hơn về nguồn gốc và lai lịch các vật thể ấy. Dù sao đây vẫn là điểm đáng quan tâm, nhắc tới như nét son thật trân trọng vậy.

                                                                           VŨ ĐÌNH CƯỜNG

  • -Bài đăng trên Báo CG&DT tháng 8/2006  (1)
  • -Kỷ Yếu Trung Lao – NXB TP.HCM  (2)
  • -Phương Đình Dư Địa Chí – Nguyễn Siêu  (3)
  • -Tên Làng Xã Việt Nam – Viện Hán Nôm  (4)