VỀ LẠI QUÊ HƯƠNG (Hồi Ký)

VỀ LẠI QUÊ HƯƠNG (Hồi Ký)

      Trong thiệp mời dự lễ Đức Mẹ Mân Côi tháng 10 năm 2005, Ban Đại diện Đồng Hương Trung Lao Miền Nam có kèm theo tờ thông báo tổ chức cuộc hành trình về Quê Mẹ dự lễ Các Thánh và Các Linh Hồn. Bà con dân làng hân hoan chờ đợi và được biết ngày 28 tháng 10 sẽ lên đường, vì thế lòng rất nôn nao muốn về thăm lại quê nhà. Cách đây 9 năm rưỡi, tôi cùng bà xã về tham dự đại lễ Năm Thánh kỷ niệm 400 năm đón nhận Tin mừng và 100 năm xây dựng thánh đường Trung Lao vào ngày 11 tháng 5 năm 1996; nay bà ấy đã mất nên tôi và con trai trưởng từ Thành Ông Năm phải sang Xóm Mới tối hôm trước cho kịp lên xe tại đó vào lúc 4 giờ sáng. Khi lên xe, tôi thấy đã đông đủ người trong đoàn, ngoài ra còn một số đi xe lửa về trước… Thế là xe từ từ chuyển bánh…

      Tám giờ sáng, xe dừng lại để bà con uống cà phê, ăn sáng và thư dãn dăm mười phút. Tiếp tục lên xe, chúng tôi đọc 50 kinh kính các Thánh và cầu cho các linh hồn cũng như xin thượng lộ bình an. Đọc kinh xong thì có vài chị hát những bản thánh ca rất sinh động, sau đó chúng tôi nói đủ thứ chuyện trên trời dưới đất kể cả tiếu lâm. Quan sát các ông bà anh chị ngồi chung có đôi, nên tôi đã hài hước đôi câu rằng:

                   “Về quê nhà họ có đôi

               Còn tôi về phải mồ côi một mình”.

      Thế là chúng tôi hú lên mà cười với nhau. Trên xe, chị Phúc phu nhân anh Đường (trưởng đoàn) còn chơi trò xổ số trúng thưởng cho mọi người, làm náo nhiệt tưng bừng. Dọc đường xe đi qua, tôi lần lượt ghi nhận:

               Đến Phan Thiết 9 giờ 50

               Đến Phan Rang 12 giờ 35

               Đến Nha Trang 15 giờ 40

               Đến Tuy Hòa 17 giờ 30…

               Đến cửa hầm Hải Vân 19 giờ 30.

      Đến hầm Hải Vân thì đa số bà con đều ngủ gà ngủ gật, nên nhà xe gọi thức dậy để mở mắt mà xem một công trình thế kỷ. Vậy tôi lại có thơ rằng:

                   “Lên cửa Hải Vân đã xế tà

                    Điện đường sáng chóa đẹp hơn hoa”.

      Xe chạy qua hầm dài trên sáu cây số chỉ mất chưa đầy 10 phút. Từ đây đi trong đêm tối, bà con lại ngủ vùi tới sáng hôm sau, và phần tôi cũng thấm mệt nên chẳng ghi nhận thêm được gì. Rồi vào lúc 17 giờ chiều 29 tháng 10, xe đến Kim Sơn; chúng tôi vào viếng nhà thờ đá, tham quan và chụp hình lưu niệm tại quần thể Phát Diệm, sau đó lại lên xe nhắm thẳng Trung Lao mà tiến. Tới cổng gác chuông nhà thờ lúc 19 giờ thì đã rất đông bà con quê nhà đang chờ đón, trong đó có cả Cha xứ và Ban trùm nữa nên đồng hương quá phấn khởi; tay bắt mặt mừng, hỏi thăm ríu rít, rồi ai nấy về nhà người thân.

      Sáng 30 tháng 10, đoàn đi thăm Tòa Giám mục Bùi Chu và Đền Thánh Phú Nhai. Năm giờ chiều 31 tháng 10, thánh lễ Misa tại lăng Cụ Thượng Nhạ do cha Vũ Khởi Phụng là chắt nội cử hành, có gần ngàn người tham dự.

      Bốn giờ rưỡi sáng1 tháng 11, hiệp lễ kính Các Thánh Nam Nữ. Năm giờ chiều, các đoàn thể tập trung tại nhà thờ và rước kiệu lên nghĩa địa đồng trên dự lễ do cha xứ và cha Phụng đồng tế.

      Bốn giờ rưỡi sáng 2 tháng 11, thánh lễ đồng tế trọng thể cầu cho các Linh hồn. Đúng tám giờ, bắt đầu cuộc giao lưu giữa các đoàn đồng hương: Quê Mẹ, Miền Nam, Hà Nội, Hải Phòng và Nam Định; cứ sau mỗi bài phát biểu, ban Tây nhạc lại cử một bản hành ca hùng tráng. Trong phần phát biểu, tôi đã nhắc lại câu ví: “Gái Trung Lao như sao trên trời”. Do thấy rất nhiều các chị, các mẹ về làm dâu Trung Lao cũng thật tuyệt vời nên tôi chế thêm vào như sau:

               “Gái Trung Lao như sao trên trời

                 Dâu Trung Lao tuyệt vời hết ý”.

      Vì thế trong lúc ấy, tôi mời chị Phúc là dâu đứng lên để bà con mình chiêm ngưỡng, hầu biết đến thành tích của chị dành cho dân làng. Kết thúc buổi giao lưu này, chúng tôi được mời vào nhà xứ dự tiệc liên hoan cùng quý Cha, Ban trùm và quý khách. Buổi chiều mới rước kiệu về nghĩa địa đồng dưới làm lễ, nhưng trời đổ mưa tầm tã mấy hôm liền đành phải ngưng lại. Và đến lúc tạnh mưa thì các đoàn miền Bắc đã trở về nhà rồi, bởi vậy thánh lễ ở đồng dưới không rềnh rang lắm. Qua các cuộc lễ này thì bà con tự do đi chơi các nơi như Hà Nội hoặc bất kỳ chỗ nào ưa thích.

      Về quê lại hàn huyên tâm sự, chợt nhớ những chuyện xa xưa như những vụ cướp chẳng hạn. Từ năm 1945 về trước, làng ta hay bị cướp vì có nhiều gia đình khá giả; bởi thế một số tên ngỗ nghịch, bần cùng ở các nơi khác thường kết hợp thành bè đảng sang cướp phá. Hơn nữa trong làng lại có kẻ chỉ điểm, nên khi cướp nhà ai là…  chắc thắng và kẻ ấy làm sao mà chả được chia phần?!. Tôi có người anh họ tên Siêu gia nhập đội bảo an của làng, thường gọi là đội Hương dũng. Nửa đêm đang ngủ ở nhà, nghe báo động có cướp vội chạy ra ứng cứu; quân cướp đã phục sẵn bên đường và khi thấy anh, một thằng liền quát to: “đứa chó nào đấy!”, anh trả lời: “Siêu đây… Siêu đây!”; chúng liền “sủa” một câu mất dạy: “Đ. mẹ mày, ấm chúng tao cũng đập chứ nói chi siêu!”. Thế là chúng vụt một gậy vào đầu anh toác máu, phải chạy mau về nhà mất đất. Còn ông Binh Phúc, khi trẻ là một chàng trai cường tráng được chính phủ bảo hộ tuyển vào lính đánh trận đệ nhất thế chiến; sau được về hưu, và từ đó ông là người chơi diều sáo nổi tiếng khắp Nam Định. Nhà ông chẳng khá lắm, mới sang trông nom cho nhà chị vợ là bà Phó Vị xóm Tây Phong, có của ăn của để. Một đêm bọn cướp đến bao vây và đốt đuốc sáng rực, gọi là châm hồng. Khi còn ở ngoài chúng nói ông mở cổng ngay cho các quan vào. Ông đứng trong hàng rào tre hóp trả lời: “Tôi vứt một vật ra đấy, quan nào vứt nó vào đây được thì tôi sẽ mở cổng”. Nói đoạn ông ôm một cái cối đá nặng hơn 50 cân vứt qua hàng rào tre hóp cao chừng hai thước tây, khiến quân cướp tắt đuốc bỏ chạy vì biết rằng trứng không thể nào chọi đá.

      Rồi đến nhà ông Phó Rị ở đầu chợ Lao là một cửa hiệu chạp phô hai tầng; chẳng rõ cướp bóc ra sao, khi sáng sớm người ta đi chợ thấy một tên nằm chết dưới cửa mà ruột thì đeo trên lan can tầng lầu xuống tới đất, ai nhìn cũng khiếp vía.

      Cướp nhà ông Lái Năm ở đầu nhà thờ họ Vinh Sơn. Nửa đêm chúng đột nhập, tự xưng là các quan lớn và cũng đốt đuốc sáng rực. Tên tướng cướp ngồi trên một ghế bành giữa sân chỉ huy. Ông Năm nấp ở một chỗ bí mật dòm thấy bọn này cởi trần, bôi nhọ đen đúa; ông cũng lẻn vào bếp, lấy nhọ bôi mình như thế và cầm lấy cái giáo đinh ba. Khi trà trộn ra giữa sân, liền đâm mạnh một nhát vào lưng tướng cướp, nó vội hét lên: “Á chết tao rồi!”. Thế là đồng bọn khiêng nó chạy luôn nhưng không quên ném đuốc cháy rụi nhà ông.

      Cướp nhà ông Phó Nghi vào tháng Ba đói năm Ất Dậu (1945). Khoảng ba bốn giờ chiều, khi chúng tôi đang học ở đình làng thì nghe báo động có cướp, vội vàng bỏ học đi xem. Lên đến cuối nhà thờ họ Giuse mới biết chúng “viếng” nhà ông Phó Nghi. Đứng cách khoảng trăm thước thì thấy mấy tên đang đánh nhau với ông Liệu. Ông Liệu là con trai cụ Hai Định, một tay võ nghệ và rất can đảm, cầm thương xông vào ba tên cướp có hung khí, đánh bất phân thắng bại. Lúc đó đứng gần chúng tôi, ông Tú Bích mang súng (cùng hai lính lệ) đã bắn chết luôn cả bốn; bọn cướp trong nhà ông Phó Nghi nghe tiếng súng, hoảng hốt bỏ của chạy lấy người… Cảm thông cái chết oan uổng của ông Liệu – người có công, nhà ông Phó Nghi đã làm ma chay đủ hiếu lễ, cấp thêm năm sào ruộng tư điền như tỏ lòng biết ơn.

      Đó là lần cuối cùng vì kể từ đấy về sau, làng ta không còn cướp nào nữa xảy ra.

                  “Vì sinh kế lại vào Nam

             Hướng về quê mẹ muôn vàn nhớ nhung”.

      Sau khi hoàn tất chương trình hành hương thì đoàn Miền Nam chuẩn bị trở về Nam. Đúng 4 giờ sáng 9 tháng 11, toàn thể trong đoàn đã tập trung bên đầu nhà thờ để lên xe, từ giã quê nhà với bao niềm cảm mến vô biên, ước mong dịp trở lại. Xe chớp đèn rẽ phải, Cha xứ và Ban trùm ra tiễn biệt, sau đó cùng hiệp dâng thánh lễ cầu bình an.

     Suốt một ngày đường dài cho đến tối thì đoàn cũng vào được Thánh địa La Vang, cảm tạ Đức Mẹ, nguyện xin, chụp hình và mua sắm. Thế rồi xe lại tiếp tục chạy suốt đêm, qua hôm sau về tới Sàigòn vào lúc 19 giờ đúng. Xuống xe, chúng tôi bắt tay nhau và ai nấy đều hài lòng bởi chuyến đi thành công tốt đẹp, hẹn gặp lại ngày mai.

                                                                    

                                                                             Vs. VŨ ĐÌNH MÙI

                                                            (gốc Tây Phong-Tứ Lý)