MỘT CHUYẾN VỀ QUÊ

MỘT CHUYẾN VỀ QUÊ

            Cuối năm vừa qua, tôi có dịp về thăm quê hương. Ôi chao! Trong lòng bồn chồn không sao tả nổi. Chuẩn bị hành trang cách nào cũng vẫn thấy thiếu.

            Thật ra, chuyến về quê của tôi cũng không hẳn là về thăm quê. Được tin cậu ruột mất, tôi phải tức tốc lên đường. Sáng thứ Tư khởi hành và tối thứ Sáu phải có mặt ở nhà. Thời gian quá ít ỏi cho một chuyến về thăm quê !

            Tôi sinh ra trong thời buổi quê nhà loạn lạc. Đang lúc đạn pháo từ bốt Vô Tình bắn vào làng thì tôi chào đời. Mẹ tôi bị thương ở tay nên không thể bế tôi được. Tôi được chị cả bế ẵm trong lúc phải đi chạy loạn.

            Quê tôi ngày ấy, theo các cụ kể lại, không giống bây giờ. Chỉ có nhà quan và nhà thờ, nhà xứ mới có mái ngói, còn hầu như tất cả là nhà mái rơm rạ. Nơi tôi sinh ra lại càng nghèo hơn: Họ Trung Bình. Đến bây giờ tôi cũng không hiểu ý nghĩa của hai chữ Trung Bình. Không biết có phải là trung bình, không giầu cũng không nghèo (?). Hay là ở khoảng trung bình so với nhà xứ và các Họ khác (?). Điều đặc biệt nữa là các Họ trong Xứ đều mang thánh hiệu. Riêng Họ tôi lại vừa có thánh hiệu: Tômasô, lại vừa có tên: Trung Bình.

            Chiếc Boeing 747 cất cánh tại phi trường Tân Sơn Nhất lúc 8 giờ sáng. Lần đầu tiên đi máy bay phản lực thật là lạ ! Khi máy bay vừa rời khỏi đường băng cất cánh, từ trên nhìn xuống thành phố, quang cảnh ở dưới như một nghĩa trang khổng lồ. Những ngôi nhà nằm sát cạnh nhau như những ngôi mộ. Tôi vội lắc đầu để bỏ qua những ý nghĩ vừa chợt đến …

            Sau gần hai giờ bay, tôi đáp xuống phi trường Nội Bài. Không khí se lạnh thật dễ chịu. Nghe nói mấy hôm trước trời rất lạnh. Đúng là tôi gặp may.

            Con đường từ phi trường về hồ Hoàn Kiếm chỉ khoảng trên 30 cây số mà tôi phải đi xe buýt hết 2 tiếng đồng hồ. Thành phố Hà Nội đang mở rộng. Đường xá cầu cống đang làm khiến giao thông thật vất vả. Xe chạy như rùa bò.

            Rồi cũng đến lúc tôi đặt chân xuống trung tâm Hà Nội. Mấy anh xe ôm nhào tới chào mời. Bến xe Giáp Bát? Hai xe, mỗi xe 15 ngàn. Tôi nghĩ chắc không đắt. Nhưng đã được khuyến cáo nhiều về các “mánh khoé" của cánh xe ôm Hà Nội, tôi “khôn ngoan” chọn một chiếc taxi. Trên xe có ảnh Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp. Chắc ăn ! Phe ta đây rồi ! Xe chạy vòng vòng hồi lâu rồi dừng lại trước một bến xe. 75 ngàn đồng ! (Một - Không). Xuống khỏi xe tôi mới ngỡ ngàng: Không phải bến xe Giáp Bát mà là bến xe Nước Ngầm (Hai - Không).

Rồi tôi cũng lên được xe về Hải Hậu. Mọi người đã dặn tôi đi xe Hải Hậu đến Cổ Lễ thì xuống. Càng về đến gần làng, tôi càng cảm thấy hồi hộp. Tựa như lần đầu tiên đi hẹn với ngưòi yêu. Làng tôi đây rồi ! Tôi ngỡ ngàng vì không như tôi vẫn tưởng tượng, các làng quê mà tôi thường được nhìn thấy trên tivi. Làng tôi như một tiểu thị trấn. Nhà cửa san sát nhau.

 Hai thằng cháu ra đón tôi tận Cổ Lễ. Chỉ rửa mặt qua loa là tôi phải đến đám ma cho kịp giờ lễ.

Nhà cậu tôi ở Xối Đông - Họ Thánh Phaolô. Gia đình cậu tôi đã kiên trì giữ Họ giáo. Từ đời ông cố ngoại tôi trở lại Đạo. Họ giáo chỉ gồm toàn con cháu của cụ. Riêng chuyện cụ cố ngoại tôi trở lại Đạo cũng là một giai thoại nên kể: Ngày xưa, như hầu hết đàn ông trong làng, Cụ tôi cũng đi bè nứa, gỗ. Trong một lần xuôi bè, cụ tôi bị lũ cuốn chìm phăng xuống đáy sông. May thay, có một cụ già cầm tay cụ cố tôi kéo lên. Chưa kịp cám ơn thì cụ già biến mất. Về đến làng, cụ cố tôi gặp lại cụ già ân nhân. Không phải bằng người thật mà là tượng ông thánh Phaolô. Lập tức, cụ tôi vào nhà Xứ xin cha học Đạo. Sau đó, cụ bắt tất cả con cái trở lại Đạo hết. Đối với các bà dì tôi đã đi lấy chồng, ông bảo với con rể: Con có chịu theo Đạo bố không? Nếu không bố bắt con gái bố về !... Nghe nói cụ có một ông con trai đã lên chức Sư Bác ở Chùa Cổ Lễ không chịu theo cụ trở lại Đạo …

Nhà cậu tôi ở ngay trong khuôn viên nhà thờ Họ nên thánh lễ được cử hành trong nhà thờ thay vì thánh lễ tại gia. Tưởng cũng nên nói một chút về đám ma tại làng quê. Trong suốt hai ngày quàng tại nhà hiếu, anh con cả phài đích thân đi khất tất cả các ban ngành đoàn thể trong Giáo xứ. Cà Đời lẫn Đạo. Giờ phúng điếu được lên chương trình hẳn hoi, không thể khác được. Ban lễ tang được thành lập gồm mười mấy vị. Cứ mỗi đoàn đến phúng điếu, ban tổ chức tang lễ nói lời giới thiệu và mời theo chức danh từng người. Chỉ nội bái chào và cám ơn thôi cũng mất năm bảy phút. Mà thơ văn hẳn hoi chứ không nói suông như ở trong miền Nam. Sáng: Ăn sáng. Trưa: tiệc. Tối: tiệc. Trong suốt hai ngày quàng tại nhà và ngày đi đưa tang cũng năm sáu lần tiệc.

Sau thánh lễ an táng, chương trình truy điệu diễn ra cuối nhà thờ thật long trọng. Các ban ngành trong làng, xã lần lượt lên thắp hương, đặt vòng hoa và đọc điếu văn. Chương trình kéo dài khoảng một tiếng rưỡi.

Tôi chỉ thuật lại đôi nét về một lễ tang tại làng quê. Tuyệt nhiên không có ý phê phán. Tuy nhiên, có một điều tôi thấy hơi lạ. Đó là tiền phúng điếu. Ở đây được phân chia ra nhiều loại: Tiền xin lễ, tiền phúng cho ai (?). Tiền xin lễ thì phải dùng hết cho việc xin lễ, kể cả khi ai cũng ghi ngoài phong bì là cầu cho linh hồn… Còn tiền phúng thì, khách của ai người ấy giữ, với lý do là để trả lễ lại (?). Chỉ tội cho anh nào ít tiền phúng điếu. Vẫn phải chịu bổ bán mà tiền không có …

Chiều hôm đó tôi mới có thời gian sang thăm quê nội: Họ thánh Tômasô. Ở đây, tôi đã nhìn thấy hình ảnh làng quê miền Bắc. Đường vào Họ thánh Tômasô nằm bên con kinh, có hàng tre rợp bóng mát. Nhà nào cũng có ngõ, có bờ rào. Điểm đến đầu tiên là nhà thờ Họ. Ngôi nhà thờ không lớn nhưng rất đẹp. Tôi thích nhất là tòa vàng, trông thật lộng lẫy và trang nghiêm. Nhà thờ chứa được khoảng 300 người. Toàn thể Họ tôi chỉ có khoảng 150 nhân đinh ấy mà. Cuối nhà thờ có ngôi mộ của Thánh Nhu tử Đạo. Không biết đã được thiết lập hồ sơ xin phong Thánh chưa (?).

Điểm thứ hai mà tôi phải đến viếng, đó là nghĩa trang. Điều đặc biệt là Giáo xứ có nghĩa trang chung. Nhưng Họ tôi lại có nghĩa trang riêng. Trong nghĩa trang hoàn toàn là người trong họ tộc của tôi. Tôi đặc biệt xúc động khi đứng trước mộ của cụ tổ Vũ Văn Dậu. Tính đến đời tôi là cháu ngoại 7 đời. Tôi ước ao có điều kiện tu bổ lại khu nghĩa trang cho tươm tất hơn. Rảo qua thăm mấy người bà con thì trời đã tối. Hôm nay là ngày đọc kinh đầu tiên cho cậu. Tôi không thể vắng mặt .

Tối hôm đó, tôi mới về nhà anh tôi ở Họ thánh Giuse để ngủ. Hai ngày về quê mà anh em vẫn không có dịp trò chuyện với nhau, vì mắt tôi đã “díp” lại rồi. Sáng hôm sau, ăn sáng xong, ghé thăm sơ qua Tòa Giám mục Bùi Chu và đền thánh Phú Nhai, tôi lại lên máy bay trở về Nam.

Hai ngày ngắn ngủi ở quê. Hai ngày với biết bao nhiêu cảm xúc dồn dập. Tôi đành tạ lỗi với quê hương vì thời gian quá eo hẹp. Xin tạ lỗi với bà con họ tộc. Chắc chắn tôi sẽ lại trở về..../.

                                                                       VŨ VĂN LỊCH